GÂY MÊ CHO PHẪU THUẬT NỘI SOI VÀ PHẪU THUẬT ROBOT

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi có lợi ích đáng kể so với phương pháp tiếp cận mở truyền thống, bao gồm các vết mổ nhỏ, giảm đau sau phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ truyền máu và nhiễm trùng vết mổ. Những nhược điểm tiềm ẩn bao gồm nguy cơ thủng mạch và cơ quan lớn trong khi vào Trocar so với mổ hở.
Tác giả: Adriana Dana Oprea 
Dịch: Bs. Nguyễn Sỹ Linh
Hình 2. Bàn điều khiển nơi PTV thao tác
và vận hành cánh tay robot và camera
Kỹ thuật phẫu thuật nội soi có lợi ích đáng kể so với phương pháp tiếp cận mở truyền thống, bao gồm các vết mổ nhỏ, giảm đau sau phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ truyền máu và nhiễm trùng vết mổ.
Những nhược điểm tiềm ẩn bao gồm nguy cơ thủng mạch và cơ quan lớn trong khi vào Trocar so với mổ hở. Gần đây, nội soi trợ giúp bằng robot đã được giới thiệu để giải quyết một số bất lợi của nội soi, bao gồm mệt mỏi của bác sỹ phẫu thuật, run tay, hiệu quả kém, hình ảnh kém trực quan hơn, thao tác dụng cụ khó hơn trong khi vẫn giữ được tất cả các ưu điểm của kỹ thuật nội soi. Nhược điểm đặc biệt của phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ là chất lượng và tính nhất quán của dữ liệu kết nối giữa bác sĩ với robot và chi phí cao. Trong bài này đề cập vấn đề tổng quan giữa phẫu thuật nội soi truyền thống và có robot hỗ trợ, thay đổi sinh lí đối với bệnh nhân và các chiến lược quản lí chu phẫu cho bệnh nhân trải qua phẫu thuật này.
Phẫu thuật nội soi có 4 bước: tiếp cận ổ phúc mạc, bơm hơi ổ phúc mạc, phẫu thuật, đóng bụng. Trước khi tiếp cận ổ phúc mạc, bàng quang và dạ dày được làm xẹp để giảm thiểu khả năng tổn thương bàng quang và ruột. Sau đó có thể tiếp cận ổ phúc mạc bằng một trong hai cách: tiếp cận mở (Hasson) hoặc tiếp cận đóng (Kim Veress). Kĩ thuật Hasson sử dụng một vết mổ nhỏ ở bất cứ nơi đâu trên thành bụng, nhưng đa số được thực hiện tại rốn, sau đó đưa Trocar qua vết mổ này để bơm hơi ổ phúc mạc.
I. KĨ THUẬT PHẪU THUẬT
Kĩ thuật Veress sử dụng kim chọc mù qua da vào khoang phúc mạc sau đó bơm hơi. Kĩ thuật này được ưa thích ở những bệnh nhân không có dính và thoát vị rốn hoặc khoang phúc mạc, có nguy cơ cao tổn thương các các cơ quan so với kĩ thuật Hasson. Sau khi vào khoang phúc mạc CO2 sẽ được bơm chậm cho đến khi áp lực ổ bụng đạt được áp lực 10 – 15 mmHg và thành bụng giãn đủ để phẫu thuật. Camera nội soi được đưa vào ổ bụng dưới sự hướng dẫn trực quan của hình ảnh do nó mang lại, các trocar phụ có thể được đặt để sử dụng công cụ khác khi cần thiết. Đối với nội soi có robot hỗ trợ, vào khoang phúc mạc có thể được thực hiện một trong hai cách, tiếp theo là thăm dò ổ bụng, thiết lập vị trí các bộ phận robot trong phúc mạc, tư thế robot, sau đó gắn các cánh tay robot với các dụng cụ. Sau khi phẫu thuật, các lỗ vào bụng sẽ được đóng lại.


II. ẢNH HƯỞNG SINH LÍ

1. Ảnh hưởng tim mạch
Sự thay đổi tim mạch trong nội soi ổ bụng trở nên rõ ràng khi áp suất trong ổ bụng vượt quá 10mmHg, kết quả từ sự kết hợp của tăng áp lực trong bụng, hấp thu CO2, gây mê và tư thế của bệnh nhân. Cung lượng tim giảm khi giảm hồi lưu tĩnh mạch, thứ 2 là do áp lực ổ bụng tăng lên gây đè ép tĩnh mạch chủ dưới và cản trở máu ở chi dưới trở về. Sức cản mạch máu hệ thống tăng thứ phát do sự giải phóng catecholamine kích thích bởi sự hấp thụ CO2 , sự phóng thích vasopressin và kích hoạt hệ thống Renin-angiotensin do bơm khí ổ bụng. Ngoài ra trong giai đoạn khởi đầu, co kéo có thể kích thích phản xạ phế vị gây nhịp chậm, thậm chí ngừng tim. Những thay đổi này xảy ra trong những phút đầu tiên khi bơm hơi ổ bụng. Sau đó cung lượng tim và sức cản hệ thống sẽ trở về bình thường sau khoảng 10 – 15 phút. Tư thế Trendelenburg dốc là cần thiết với phẫu thuật tiền liệt tuyến nội soi có robot hỗ trợ vì nó làm tăng tuần hoàn trở về và tăng cung lượng tim, do đó chống lại những thay đổi do bơm hơi ổ bụng. Ngược lại, tư thế Trendelenburg ngược và tư thế mổ sỏi thận làm giảm cung lượng tim do ngăn cản tuần hoàn trở về.
2. Tưới máu vùng
Bơm khí ổ bụng gây ra thiếu máu tạng rải rác do tác dụng giãn mạch của CO2 hấp thụ. Ngược lại bơm khí ổ bụng làm giảm lưu lượng máu thận, giảm tốc độ lọc cầu thận, giảm lượng nước tiểu lên đến 50%. Lưu lượng máu não tăng lên trong giai đoạn bơm khí vào ổ bụng do tăng áp lực CO2 động mạch. Điều này có thể chỉ thoáng qua nếu normocarbia (tình trạng CO2 bình thường trong máu = 40 ± 5 mmHg) được tái lập bằng cách tăng thông khí phút. Tuy nhiên, nếu sử dụng Trendelenburg dốc, nó sẽ làm tăng áp lực nội nhãn và có thể làm tăng áp lực nội sọ (2). Rõ ràng, những bệnh nhân có tăng áp lực tưới máu não và golaucoma khó kiểm soát có thể không thích hợp với vị trí này (Bảng 1).
Bảng 1. Thay đổi sinh lý  trong phẫu thuật nội soi
Cơ quan
Ảnh hưởng
Cơ chế
Tim mạch
Giảm cung lượng tim
Giảm tiền gánh (giảm hồi lưu tĩnh mạch) do áp lực trong ổ bụng.
Tăng sức cản mạch máu hệ thống và tăng huyết áp
Tăng CO2
Hormones (Vasopressin, hệ Renin – Anggiotensin)
Nhịp tim chậm
Kích thích dây X
Nhịp tim nhanh
Tăng CO2
Hô hấp
Giảm độ giãn nở của ngực và phổi
Giảm dung tích cặn chắc năng
Xẹp phổi
Tăng áp lực đỉnh đường thở
Cơ hoành bị đẩy lên do bơm hơi ổ phúc mạc
Tăng CO2 máu
Tăng hấp thu CO2 do thông khí/tưới máu không phù hợp
Thận
Giảm tưới máu thận, nước tiểu và tốc độ lọc cầu thận
Tăng áp lực ổ bụng
Tuần hoàn vùng
Tăng áp lực nội sọ và nội nhãn
Xung huyết nội tạng rải rác
Tăng CO2
3. Ảnh hưởng hô hấp 
Bơm hơi ổ bụng làm nâng cơ hoành dẫn đến giảm đàn hồi của lồng ngực, hô hấp và giảm dung tích cặn chức năng. Sự thay đổi này dẫn đến xẹp phổi trừ khi duy trì PEEP và periodic recruitment maneuvers (nghiệm pháp huy động chu kì = tăng tần số thở). Gây mê kết hợp với ảnh hưởng hô hấp của bơm hơi ổ bụng làm tăng bất tương xứng giữa thông khí và tưới máu và thông qua cơ chế này làm giảm PaO2 . Đánh giá chức năng phổi sau phẫu thuật cho thấy giảm thể tích thở ra gắng sức giây đầu tiên (FEV1) và dung tích thở ra gắng sức (FVC) (Bảng 1)

Bảng 2. Biến chứng của phẫu thuật nội soi
Hạ huyết áp
Giảm hồi lưu tĩnh mạch
Tăng huyết áp
- Tăng CO2
- Yếu tố thần kinh
Nhịp tim chậm
- Phản xạ dây X do căng màng bụng kéo dài
Nhịp tim nhanh
- Tăng CO2
Trụy tim mạch
- Loạn nhịp (Nhịp tim chậm/nhanh)
- Mất máu
- Thuyên tắc khí
Tràn khí/ tràn CO­2 màng phổi
- Tràn CO­2 màng tim
- Áp lực ổ bụng quá mức
- Tăng CO­2
- Gây mê sâu

III. QUẢN LÍ VÔ CẢM
1. Lựa chọn bệnh nhân
Bệnh nhân với bệnh tim mạch, đặc biệt bệnh van tim trầm trọng có thể không dung nạp được với các ảnh hưởng tim mạch của bơm hơi ổ bụng. Tương tự, bệnh nhân béo phì, bệnh nhân COPD, và những người bệnh tim nặng có thể không dung nạp được với tư thế Trendelenburg dốc (steep) thường được sử dụng cho nội soi và nội soi có robot hỗ trợ. Đối với phẫu thuật cắt túi mật nội soi thông thường, béo phì thậm chí bệnh béo phì cũng không làm tăng tỉ lệ biến chứng đáng kể (4).
2. Khởi mê và kiểm soát đường thở
Gây tê vùng hoặc tại chỗ có thể chấp nhận được nếu qui trình diễn ra nhanh chóng với áp lực ổ bụng thấp ( < 10 – 15 mm Hg ) và tư thế Tredelenburg nhẹ (mild degrees of Trendelenburg). Tuy nhiên, gây mê NKQ là thông thường nhất cho nội soi vì sự khó chịu từ bơm hơi ổ bụng và sự cần thiết của hỗ trợ hô hấp. Hầu như thuốc khởi mê nào được quản lí tốt đều có thể chấp nhận được, nhưng Propofol có thể là thuốc được ưa thích nhất do đặc tính chống nôn của nó (5). Giống như gây tê vùng và tê tại chỗ, sử dụng mask thanh quản thay thế cho nội khí quản có thể được sử dụng ở bệnh nhân trải qua phẫu thuật ngắn, áp lực ổ bụng thấp và Trendelenburg tối thiểu.
3. Duy trì mê
Bởi vì giãn cơ là cần thiết để giảm áp lực ổ bụng, duy trì mê thường sử dụng thuốc mê bốc hơi để đảm bảo mê hoàn toàn. Nitrous Oxide tránh dùng vì nguy cơ buồn nôn và nôn sau phẫu thuật ( PONV ) và nguy cơ khuếch tán vào ruột làm cho điều kiện phẫu thuật khó khăn hơn. Gây mê tĩnh mạch có thể được sử dụng nếu nguy cơ PONV đáng kể. Nhưng nguy cơ tỉnh cao hơn so với thuốc mê bốc hơi có sử dụng phân tích khí mê trong thì thở ra . Kiểm soát nồng độ bình thường CO2 trong thông khí với PEEP là cần thiết cho phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ để chống lại tác động hô hấp của bơm hơi ổ bụng và tư thế bệnh nhân. Các theo dõi khác theo tiêu chuẩn ASA nên được quyết định dựa trên các bệnh kèm của từng bệnh nhân. Bời vì đôi khi cần thiết dùng tư thế đặc biệt ( vượt quá giới hạn bình thường ), việc đệm đầy đủ dây thần kinh trụ, thần kinh mác chung, vị trí thích hợp của cánh tay, đệm vai tránh được tổn thương đám rối thần kinh cánh tay và đai an toàn của bệnh nhân trên bàn mổ phải được thiết lập trước khi rạch da. Nếu cần tư thế Trendelenburg hoặc Trendelenburg ngược thì phải thiết lập từ từ để kiểm soát sự thay đổi huyết động và sự di lệch của ống NKQ. Cần dự phòng nôn vì tỉ lệ buồn nôn sau mổ ở bệnh nhân mổ nội soi cao.
IV. Dự phòng đau
Đau sau phẫu thuật nội soi ít hơn rất nhiều so với các phẫu thuật hở tương đương. Tuy nhiên đau nhiều ở các vị trí vào bụng, bơm CO2 và dư thừa khí trong ổ bụng gây kích thích cơ hoành gây đau vai (6). Gây tê tại chổ ở những vị trí vào bụng giảm đau tốt và có rất ít biến chứng. Có thể giảm liều thuốc họ Narcotic ( họ Morphin ) nếu kết hợp với nhóm thuốc giảm đau khác bao gồm NSAIDs. Trước khi điều trị NSAID, nhóm phẫu thuật nên được tư vấn để xác nhận rằng không có nguy cơ chảy máu do tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu của NSAIDs. Hiếm khi cần những biện pháp giảm đau xâm lấn như tê vùng ngoại trừ những bệnh nhân đau mãn tính hoặc sử dụng thuốc narcotic mãn tính.
V. Biến chứng trong phẫu thuật
1. Biến chứng tim phổi 
Hạ huyết áp là khá phổ biến trong giai đoạn bơm hơi ổ bụng do giảm cung lượng tim và giảm hồi lưu tĩnh mạch. Ít phổ biến hơn là phản xạ phế vị do kéo màng bụng gây nhịp chậm đáng kể và hiếm khi vô tâm thu. Tăng huyết áp hoặc nhịp tim nhanh có thể là kết quả của việc phóng thích catecholamin gây ra bởi CO2 máu cao, hoặc, phổ biến hơn gây mê không đủ. Tất cả những thay đổi này trong huyết động học đều có thể được quản lý dễ dàng bằng các biện pháp thông thường và nó qua nhanh chóng. Tuy nhiên, sự hạ huyết áp liên tục, dai dẳng hoặc trụy tim mạch có thể xảy ra rất ít và nên nhanh chóng tìm kiếm và điều trị các nguyên nhân khác, bao gồm áp lực trong ổ bụng, thuyên tắc CO2 và tràn khí lồng ngực (Bảng 2). Mặc dù bơm khí ổ bụng và tư thế Trendelenburg làm tăng bất tương xungwsthoong khí tưới máu, tình trạng thiếu Oxi đáng kể là không phổ biến khi thông khí kiểm soát với Oxi hỗ trợ trừ khi bệnh nhân có bệnh phổi từ trước. Tình trạng thiếu Oxi còn tồn tại bất chấp sử dụng Oxi 100%, PEEP, và thủ thuật huy động phế nang thì cần hạ áp lực ổ bụng và tìm những nguyên nhân khác bao gồm NKQ, hít sặc, và tràn khí màng phổi.
2. Biến chứng phẫu thuật
Tràn khí CO2 dưới da là biến chứng phổ biến gây nên ngộ độc CO2. Biến chứng này có nhiều khả năng xảy ra khi sử dụng năm hoặc nhiều cổng hơn cho phẫu thuật, trong thời gian dài hơn 3,5 giờ và áp lực ổ bụng > 15 mmHg, và vị trí canunlas ( trocar ) không thích hợp. Cần nghi ngờ khi EtCO2 trên 25% hoặc trên 50mmHg so với CO2 thường. Điều này được khẳng định bởi sự có mặt của các bóng khí dưới da ( sờ có tiếng lép bép ) ( bảng 3 ). Tràn khí dưới da có thể đến màng phổi hoặc trung thất, như tràn CO2 trung thất, tràn CO2 màng phổi, và thân trên, cổ hoặc đến háng. Điều trị bao gồm xẹp ổ bụng, hạn chế ở áp suất thấp và xác định đúng vị trí của cannula. Sự hiện diện của tràn khí ở cổ đặt ra câu hỏi có thể tràn khí màng phổi, đặc biệt nếu áp lực đường thở tăng lên và độ bão hòa mao mạch giảm. Không giống như tràn khí màng phổi với biểu hiện tăng PaCO2 và giảm EtCO2, tràn khí CO2 màng phổi biểu hiện cả hai cùng tăng ( Bảng 3 ). Nếu huyết áp được duy trì tốt, tràn khí CO2 màng phổi có thể được điều trị thận trọng bằng cách xẹp ổ bụng. Nếu tràn khí CO2 màng phổi chèn ép, bằng chứng là độ lệch khí quản và hạ huyết áp, tình trạng chèn ép nên được giải phóng bằng dẫn lưu màng phổi và thông khí với PEEP. Tràn khí CO2 màng phổi và tràn khí CO2 trung thất là biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật nội soi, chẩn đoán bằng X-quang, điều trị bằng xẹp ổ bụng và hỗ trợ điều trị trong khi chờ phục hồi tự nhiên.

Bảng 3. Biến chứng của bơm hơi khoang phúc mạc
Biến chứng
Cơ chế
Chẩn đoán
Quản lí
Tràn khí CO2 dưới da
- Xâm nhập khí ngoài , trong, sau phúc mạc vào dưới da
- Bơm hơi quá nhiều vào khoang ngoài phúc mạc
- Đột ngột tăng CO2
- Tiếng lép bép dưới da
- Sau phẫu thuật có dấu hiệu của tăng CO2 (tăng nhịp tim, huyết áp), chậm tỉnh.
- Xả bớt hơi ổ bụng
Tràn CO2 màng phổi
- Xâm nhập CO2 qua lỗ động mạch, tĩnh mạch chủ, thực quản ở cơ hoành vào trung thất , tiếp theo vào khoang màng phổi.
- Xâm nhập CO2 qua khiếm khuyết của cơ hoành.
- Xâm nhập CO2 do cơ hoành bị rách khi đặt Trocar nội soi.
- Nghi ngờ cao khi có tràn khí dưới da vùng cổ, tại vị trí phẫu thuật.
- Tăng áp lực đường thở.
- Giảm SaO2
- Tăng EtCO2
- Cơ hoành biến dạng
- Tràn khí CO2 quá mức, giảm huyết áp, giảm EtCO2, trụy tim mạch.
- Xác định bằng X-quang ngực.
- Ngừng N2O
- Tăng thông khí
- Áp dụng PEEP
Tràn CO2 trung thất
Tràn CO2 màng tim
- Giống tràn khí màng phổi
- Thay đổi huyết động
- Xác định bằng X-quang ngực
Xả hơi ổ bụng
Điều trị hỗ trợ
Tăng thông khí
Đặt NKQ vào phế quản
- Bóng chèn xuống quá Carena
- Tăng áp lực đường thở
Giảm SaO­2
Đặt lại ống NKQ
Tắc mạch do khí
- Đặt kim Veress vào mạch máu
- Hấp thụ khí vào mạch máu
- Hạ O2
- Hạ huyết áp
- Tăng CO2
- Loạn nhịp trên ECG
- Xả hơi ổ bụng
- Điều trị hỗ trợ/ hồi sức tim mạch
- Tăng thông khí

Thuyên tắc mạch máu CO2 là một biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp trong nội soi ổ bụng, thường là kết quả của sự xâm nhập trực tiếp của CO2 vào mạch hoặc, cách khác, vào một tạng đặc sau đó di chuyển vào mạch máu. Do độ tan CO2 trong máu cao, một lượng khá lớn của nó có thể được hấp thụ bởi máu và được phổi thải trừ. Do đó, một lượng nhỏ CO2 thuyên tắc có thể không có tác động rõ ràng, ngoại trừ sự gia tăng EtCO2. Tuy nhiên một lượng bolus lớn có thể cản trờ tĩnh mạch về tim, làm căng nhĩ phải và thất phải, và trụy tim mạch. Sự gia tăng áp lực đột ngột trong tâm nhĩ phải có thể dẫn đến tắc mạch nghịch lý thông qua lỗ bầu dục và khả năng tổn thương thần kinh. Nên nghi ngờ bị tắc mạch máu lớn khi hạ huyết áp đột ngột, kèm theo sự giảm sút rõ rệt EtCO2 xảy ra trong quá trình bơm hơi (Bảng 3). Điều trị bằng cách ngừng ngay bơm hơi và là xẹp ổ bụng, tư thế đầu thấp, nghiêng trái, làm hạn chế di chuyển khí vào động mạch phổi, tăng cường thông khí làm đẩy nhanh loại bỏ CO2, và hỗ trợ huyết động học bao gồm xoa bóp tim nếu có chỉ định.
Các biến chứng phẫu thuật phổ biến nhất bao gồm tổn thương trực tiếp đến cấu trúc mạch máu, ruột và bàng quang xảy ra trong quá trình đặt trocar hoặc kim Veress. Tổn thương mạch máu lớn chiếm tỷ lệ thấp 0,02% đến 0,03% nhưng có thể là thảm họa khi một trocar được đặt vào động mạch chủ, tĩnh mạch chủ, hoặc mạch chậu gây chảy máu ồ ạt. Khi chấn thương mạch lớn xảy ra, trocar nên để ở vị trí để chèn ép chảy máu trong khi đội ngũ phẫu thuật mở bụng để kiểm soát thiệt hại. Chấn thương ruột và các cơ quan khác lên đến 0,4% trong mổ nội soi và là kết quả của vào trocar sai vị trí, hầu hết các tổn thương liên quan đến dạ dày, tá tràng, ruột non và đại tràng. Phẫu thuật bụng trước dẫn đến dính ruột là một yếu tố nguy cơ rõ ràng, và hầu hết tổn thương ở ruột không được phát hiện cho đến giai đoạn hậu phẫu khi có viêm phúc mạc tiến triển.
3. Hạ thân nhiệt
Hạ nhiệt là một nguy cơ đáng kể trong nội soi nội soi, vì ngoài cơ chế mất nhiệt thông thường khi gây tê (đối lưu, dẫn truyền, bức xạ và bốc hơi), sự xâm nhập của CO2 lạnh (ở 23 ° C) sẽ làm mất thêm nhiệt. Sự mất mát này có thể bị hạn chế bằng cách hạn chế lưu lượng khí CO2 và sự rò rỉ và buộc phải sưởi ấm không khí ở thân trên và dưới của bệnh nhân.
4. Các biến chứng liên quan tư thế 
Các tổn thương thần kinh và mô do tư thế là những biến chứng nghiêm trọng và có thể ngăn ngừa được, đặc biệt là những bệnh nhân trải quan phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ với tư thế Trendlenburg ngược. Di lệch bệnh nhân về phía đầu có thể gây tổn thương thần kinh và mô bằng cơ chế đè ép hoặc căng mô. Nếu cố định vai được xử dụng nó có thể làm căng đám rối thần kinh cánh tay. Ngoài ra, trong quá trình kéo dài hàng giờ, tư thế Trendlenburg ngược có thể làm đau đầu, cổ, sưng mặt, biến chứng đường thở sau rút NKQ và hiếm gặp hơn là mù do thiếu máu thần kinh thị giác.
VI. THEO DÕI HẬU PHẪU 
Việc hấp thụ hoàn toàn CO2 trong ổ bụng có thể cần nhiều hơn 1 giờ, và trong thời gian đó bệnh nhân có thể bị đau vai nghiêm trọng do kích thích cơ hoành. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân chịu đựng được nội soi khá tốt ngoại trừ những người có dự trữ phổi hạn chế hoặc bệnh nhân bị tê liệt cơ hoành trước. Những bệnh nhân này có thể cần hỗ trợ hô hấp sau phẫu thuật cho đến khi lượng CO2 trong ổ bụng được lấy lại hoàn toàn và kiểm soát đau được tối ưu hóa. Xuất huyết hậu phẫu là hiếm nhưng nên được nghi ngờ khi có bất ổn huyết động, bụng phình to, hoặc hematocrit thấp bất ngờ.
VII. PHẪU THUẬT NỘI SOI NỘI TRÚ 
Do tỷ lệ biến chứng thấp và tiềm năng cho đi lại sớm, phẫu thuật nội soi không phức tạp (cắt bỏ túi mật, thủ tục phụ khoa) ở những bệnh nhân không có hoặc bệnh kèm được kiểm soát tốt có thể được thực hiện trên cơ sở ngoại trú (7). Việc nhập viện sau phẫu thuật ở những bệnh nhân này hiếm khi cần thiết trừ khi tình trạng hậu phẫu phức tạp do buồn nôn và nôn mửa sau mổ liên tục hoặc kiểm soát cơn đau không đủ. Sự an toàn cho những phẫu thuật giảm béo ngoại trú vẫn còn được bãn cãi vì tỉ lệ cao biến chứng ngưng thở khi ngủ và biến chứng hậu phẫu. Phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ cho phẫu thuật triệt căn ung thư đòi hỏi phải nhập viện vì thời gian kéo dài và thay đổi về thể dịch.
VIII. TÓM TẮT 
Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mở truyển thống bao gồm, vận động sớm, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh. Ảnh hưởng về huyết động và hô hấp của bơm khí ổ bụng thường được dung nạp tốt ngoại trừ bệnh nhân có bệnh tim hoặc phổi. Gây mê là cần thiết cho phẫu thuật này để đàm bảo thông khí đầy đủ và ngăn ngừa sự đau đớn do căng ổ bụng. Phần lớn các biến chứng do nội soi nội soi là do áp lực ổ bụng cao hơn 15 mmHg hoặc đặt trocars sai vị trí. Các biến chứng có thể kiểm soát bằng cách giảm áp lực ổ bụng, mở bụng nếu trocar đã làm tổn thương cơ quan hoặc mạch máu lớn. Tuy nhiên, nhìn chung kĩ thuật nội soi đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao trong việc giảm các biến chứng phẫu thuật và tăng tốc độ hồi phục.
Bác sĩ Gây mê hồi sức - Điều trị đau . Bệnh viện Vinmec Nha Trang