TẦM SOÁT UNG THƯ - NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

Mỗi loại ung thư đều có xét nghiệm tầm soát riêng. Một số loại ung thư hiện nay không có phương pháp tầm soát hiệu quả. Phát triển những phương pháp tầm soát ung thư mới là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển.

Các nhà khoa học tiếp tục phát triển những xét nghiệm giúp tìm ra những loại ung thư cụ thể trước khi xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng. Điều này gọi là sàng lọc (tầm soát) ung thư. Mục tiêu chính của tầm soát ung thư là:
  • Giảm số người chết vì căn bệnh này, hoặc loại bỏ hoàn toàn tử vong do ung thư.
  • Giảm số người mắc ung thư

Các xét nghiệm tầm soát ung thư
Mỗi loại ung thư đều có xét nghiệm tầm soát riêng. Một số loại ung thư hiện nay không có phương pháp tầm soát hiệu quả. Phát triển những phương pháp tầm soát ung thư mới là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển.
Ung thư vú
  • Nhũ ảnh. Là chụp X-Quang được thiết kế đặc biệt để chụp vú. Những hình ảnh của chụp nhũ ảnh có thể cho thấy các khối u hoặc bất thường ở vú.
  • Khám lâm sàng. Một chuyên gia y tế có thể cảm nhận được sự thay đổi về kích thước hoặc hình dạng vú. Người khám cũng có thể phát hiện những thay đổi trên da của vú hoặc núm vú.
  • Tự khám vú. Người phụ nữ sẽ sờ và cảm nhận những thay đổi trên vú (ngực) của mình. Nếu có bất kì bất thường nào thì đến gặp bác sĩ.
  • Chụp cộng hưởng từ. MRI không thường xuyên được sử dụng để tầm soát ung thư vú. Tuy nhiên nó có thể hữu ích cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao, mô vú dày hoặc khối u được tìm thấy trong khi khám.
Ung thư cổ tử cung
  • Xét nghiệm Human papillomavirus (HPV). Các tế bào được lấy bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Kiểm tra những tế bào này cho những chủng HPV cụ thể.  Một số chủng HPV liên quan đến tăng nguy cơ Ung thư cổ tử cung. Xét ngiệm này có thể riêng lẻ hoặc kết hợp với xét nghiệm Pap (phía dưới). Xét nghiệm HPV cũng có thể thực hiện trên những tế bào âm đạo do phụ nữ tự lấy.
  • Xét nghiệm Pap. Xét nghiệm này cũng thực hiện trên các tế bào lấy bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tìm tế bào tiền ung thư hoặc tế bào ung thư. Xét nghiệm này có thể kết hợp với xét nghiệm HPV.
Ung thư đại tràng
  • Nội soi đại tràng. Bác sĩ đưa ống soi vào đại tràng. Kiểm tra bất kì polyp hoặc khối u của toàn bộ đại tràng.
  • Nội soi trực tràng. Bác sĩ đưa ống soi vào trực tràng để phát hiện polyo và khối u. Những phần khác của đại tràng không thể phát hiện bằng xét nghiệm này.
  • Tìm máu ẩn trong phân ( Fecal occult blood test (FOBT)). Xét nghiệm này tìm máu ở trong phân , có thể là dấu hiệu của polyp hoặc ung thư. Có 2 loại FBOT là: guaiac và immunochemical
  • Chụp đối quang kép. Xét nghiệm này sử dụng tia X-quang để kiểm tra đại tràng và trực tràng. Thuốc cản quang giúp đại tràng và trực tràng nổi bật dưới các tia X-quang. Bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để tầm soát những người không thể nội soi đại tràng.
  • Xét nghiệm phân tích DNA trong phân: Xét nghiệm này phân tích DNA từ mẫu phân để tìm ung thư. Nó sử dụng những thay đổi DNA được tìm thấy trong polyp và ung thư để giúp bác sĩ quyết định liệu có cần thiết phải thực hiện nội soi đại tràng hay không.
Ung thư đầu cổ
  • Bác sĩ thăm khám và phát hiện những bất thường ở mũi, miệng, cổ. Khám răng định kì cũng quan trọng để phát hiện ung thư đầu và cổ.
Ung thư phổi
  • Chụp CT xoắn ốc liều thấp. CT tạo ra hình ảnh bên trong 3 chiều cơ thể. Một máy tính kết hợp các hình ảnh này thành một mặt cắt chi tiết cho thấy những bất thường hoặc khối u.
    Ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thăm trực tràng (DRE). Bác sĩ dùng ngón tay thăm khám trực tràng và phát hiện những bất thường của Tiền liệt tuyến
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Xét nghiệm máu này đo mức độ một chất được gọi là PSA. PSA thường được tìm thấy có mức độ cao hơn bình thường ở nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên mức PSA cao cũng có thể gặp ở những trường hợp không phải ung thư.
Ung thư da
  • Kiểm tra da. Bác sĩ kiểm tra da có dấu hiệu ung thư da
  • Tự kiểm tra da. Mọi người kiểm tra toàn bộ da của họ qua gương để phát hiện dấu hiệu của ung thư da. Nó giúp kiểm tra da đầu và cổ.
  • Soi da. Bác sử sử dụng thiết bị cầm tay để đánh giá kích thước, hình dạng, và sắc tố da tổn thương. Soi da thường được sử dụng để phát hiện sớm khối u ác tính.
Nguy cơ của tầm soát
     Tầm soát có thể giúp bác sĩ tìm thấy ung thư sớm hơn, ở giai đoạn dễ điều trị hơn. Điều này giúp cải thiện tỉ lệ sống còn. Tuy nhiên tầm soát ung thư có một số nguy cơ. Những nguy cơ đó bao gồm:
  • Quá chẩn đoán. Tầm soát ung thư có thể tìm thấy một số ung thư phát triển chậm mà không gây ra bất kì tác hại nào trong suốt thời gian tồn tại của con người. Kết quả là một số người nhận được các phương pháp điều trị có khả năng gây hại, đau đớn, căng thẳng và đắt tiền mà không cần thiết
  • Dương tính giả. Thỉnh thoảng xét nghiệm tầm soát cho kết quả ung thư mà thực tế không mắc ung thư.
  • Tăng xét nghiệm. Các bác sĩ có thể cho làm thêm xét nghiệm vì quá chẩn đoán hoặc dương tính giả. Các xét nghiệm này có thể xâm lấn, tốn kém và gây căng thẳng và lo lắng không cần thiết.
  • Tin tưởng vào kết quả sai. Thỉnh thoảng một xố xét nghiệm tầm soát cho kết quả không ung thư ở những người thực sự bị ung thư. Kết quả là họ không nhận được điều trị cần thiết. 
Khuyến cáo cho tầm soát
Một số tổ chức cung cấp các hướng dẫn về xét nghiệm tầm soát ung thư. Đôi khi những hướng dẫn này có sự khác biệt. Hướng dẫn khác nhau về:
  • Loại ung thư nào nên được tầm soát
  • Những xét nghiệm nào nên được sử dụng để tầm soát một loại ung thư cụ thể
  • Độ tuổi nào nên bắt đầu và kết thúc
  • Tần suất tầm soát nên được thực hiện
  • Điều gì xảy ra nếu tầm soát cho kết dương tính
Trao đổi với bác sĩ về nguy cơ phát triển ung thư của bạn. Bạn và bác sĩ của bạn có thể quyết định một lịch trình tầm soát thích hợp dựa trên tuổi của bạn và tiền sử y tế cá nhân và gia đình.

 Nguồn : Cancer Screening 
Hiệp hội Ung bướu lâm sàng Hoa Kì - American Society of Clinical Oncology (ASCO)
BS Nguyễn Sỹ Linh
Được chấp thuận bởi Cancer.Net Editorial Board, 10/2016
Bác sĩ Gây mê hồi sức - Điều trị đau . Bệnh viện Vinmec Nha Trang