GÂY TÊ VÙNG VÀ TÁI PHÁT UNG THƯ

Các tác giả đã thực hiện một phân tích hồi cứu ở phụ nữ đã qua phẫu thuật cắt bỏ vú và nạo hạch nách do ung thư vú. Hai nhóm bao gồm: nhóm có giảm đau cạnh cột sống sau phẫu thuật và nhóm sử dụng morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát (PCA). Kết quả, tỷ lệ sống còn không di căn là 94% so với 82% sau 24 tháng và 94% so với 77% sau 36 tháng tương ứng với nhóm giảm đau cạnh cột sống và nhóm morphine PCA
Ths Bs Ngô Văn Chấn
     
Tái phát ung thư và sống còn sau phẫu thuật lần đầu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm cả đáp ứng của hệ miễn dịch. Lo lắng trước phẫu thuật, hạ thân nhiệt, truyền máu, gây mê toàn thân và đau, tất cả đều ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch hệ thống [1]. Ngoài ra, cả hai loại opioid ngoại sinh và nội sinh đều thúc đẩy sự tiến triển của khối u bằng cách tăng phân chia tế bào và tăng sinh mạch máu.
     Một trong những nghiên cứu đầu tiên so sánh opioid với thuốc giảm đau gây tê vùng được thực hiện bởi Exadaktylos và cộng sự. Các tác giả đã thực hiện một phân tích hồi cứu ở phụ nữ đã qua phẫu thuật cắt bỏ vú và nạo hạch nách do ung thư vú. Hai nhóm bao gồm: nhóm có giảm đau cạnh cột sống sau phẫu thuật và nhóm sử dụng morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát (PCA). Kết quả, tỷ lệ sống còn không di căn là 94% so với 82% sau 24 tháng và 94% so với 77% sau 36 tháng tương ứng với nhóm giảm đau cạnh cột sống và nhóm morphine PCA [2].
       Mặc dù kết quả ban đầu đầy khả quan như vậy, một số nghiên cứu lại cho thấy kết quả trái ngược. Một phân tích hồi cứu gần đây hơn ở phụ nữ ung thư vú giai đoạn 0-III đã phẫu thuật trong khoảng thời gian 9 năm. Không có sự khác biệt giữa tỷ lệ sống còn toàn bộ, sống còn không bệnh hoặc tái phát tại chỗ giữa nhóm phụ nữ được gây mê toàn thân để phẫu thuật và nhóm an thần kết hợp gây tê cạnh cột sống [51]. Ngược lại, trong một nghiên cứu đoàn hệ (cohort ) > 42.000 bệnh nhân đã phẫu thuật ung thư đại trực tràng, Cummings và cộng sự nhận thấy: gây tê ngoài màng cứng liên quan đến sự sống còn sau 5 năm (61% so với 55%) so với những bệnh nhân không có gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên, không có sự khác biệt nào được nhìn thấy trong tỷ lệ tái phát ung thư giữa hai nhóm [3].
      Nhiều nghiên cứu khác nhau đã được công bố về đánh giá ảnh hưởng của gây tê vùng trên một số loại ung thư khác nhau. Gần đây, trong một đánh giá và phân tích tổng hợp, tổng cộng 20 nghiên cứu, các tác giả nhận thấy việc sử dụng gây tê vùng để giảm đau trong và sau phẫu thuật có liên quan đến cải thiện sự sống còn toàn bộ nhưng không làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư [4].
     Mặc dù một số bằng chứng cho thấy lợi ích sống còn của gây tê vùng, nhưng đến tại thời điểm này, chưa có đủ bằng chứng thực sự để trả lời câu hỏi. Cần phải có nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên với số lượng lớn, có kiểm soát là cần thiết để xác định liệu gây tê vùng có lợi ích về tỷ lệ sống còn trong phẫu thuật ung thư và nếu có thì phải cụ thể cho từng loại ung thư khác nhau.



Tài liệu tham khảo
1. Shakhar G, Ben-Eliyahu S. Potential prophylactic measures against postoperative immunosuppression: Could they reduce recurrence rates in oncological patients? Ann Surg Oncol 2003;10:972-92.
2. Exadaktylos AK, Buggy DJ, Moriarty DC, Mascha E, Sessler DI. Can anesthetic technique for primary breast cancer surgery affect recurrence or metastasis? Anesthesiology 2006;105:660-4.
3. Cummings KC 3rd, Xu  F, Cummings  LC, Cooper  GS.A  comparison of epidural analgesia and traditional painmanagement effects on survival and cancer recurrence after colectomy: A population-based study. Anesthesiology 2012;116:797-806.
4. Sun  Y, Li  T, Gan  TJ. The effects of perioperative regional anesthesia and analgesia on cancer recurrence and survival after oncology surgery: A Systematic review and meta-analysis. Reg Anesth Pain Med 2015;40:589-98.